Vitamin PP có vai trò quan trọng trong việc chuyển hoá thức ăn thành năng lượng, tan trong nước và cần bổ sung qua thực phẩm hàng ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung qua dạng viên hoặc tiêm đối với những trường hợp thiếu hụt vitamin PP. Cùng benhviendakhoahaian tìm hiểu chi tiết về tác dụng, liều dùng và cách bổ sung hợp lý.
Mục lục
1. Vitamin PP là gì?
Vitamin PP còn được gọi là vitamin B3, thuộc vitamin nhóm B. Thành phần hoạt chất chính là acid nicotinic (niacin) hoặc nicotinamide (dạng amide của acid nicotinic).
Vitamin PP có tác dụng chuyển thức ăn thành năng lượng, giúp tế bào của cơ thể thực hiện các phản ứng hoá học. Loại vitamin này có thể hoà tan trong nước. Vì vậy, dưỡng chất này có thể không lưu trữ mà phải cung cấp thông qua thực ăn hàng ngày.
2. Tác dụng của vitamin PP
Được biết đến là dạng vitamin B3 có hiệu quả trong việc điều trị bệnh Pellagra, vitamin PP còn có những tác dụng khác như:
2.1. Hỗ trợ điều trị một số tình trạng da
Loại vitamin này được sử dụng trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc da với vai trò là một chất phụ da, giữ cho làn da khoẻ mạnh. Khi sử dụng vitamin PP dạng uống hoặc bôi sẽ có tác dụng chống viêm da, điều trị mụn trứng cá, bệnh rosacea. Vì vậy, loại vitamin này được xem như một giải pháp thay thế kháng sinh hoặc trị mụn trứng cá khi bôi ngoài da.
2.2. Chống lại khối u ác tính
Khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, từ thiết bị điện tử sẽ làm tổn thương DNA của các tế bào và có thể phát sinh các khối u ác tính.
Bổ sung vitamin PP sẽ giữ cho tế bào khoẻ mạnh, giúp sửa chữa DNA cho làn da bị tổn thương và chống lại khối u ác tính.
2.3. Tốt cho người bị bệnh thận mãn tính
Những người bị bệnh thận mãn tính sẽ làm mất dần chức năng của thận. Điều này ảnh hưởng đến khả năng làm sạch, lọc máu khiến tích tụ các chất có hại trong máu như gốc phosphat.
Loại vitamin này sẽ có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thụ ở thận, giúp giảm mức phosphat ở người bị bệnh thận.
2.4. Làm trì hoãn sự tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp 1
Khi bị bệnh tiểu đường tuýp 1, cơ thể tự tấn công và phá huỷ các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tuỵ. Một số ý kiến cho rằng vitamin PP có tác dụng bảo vệ và bảo tồn các tế bào beta giúp làm chậm sự khởi phát của bệnh tiểu đường tuýp 1.
Nhưng cũng có một số ý kiến không đồng tình với quan điểm này. Do vậy, để khẳng định vai trò của vitamin này trong việc làm chậm tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp 1 cần thêm các nghiên cứu để khẳng định.
3. Vitamin PP có trong thực phẩm nào?
Cách bổ sung vitamin PP tốt nhất là thông qua các thực phẩm giàu vitamin PP. Một số loại thức ăn cung cấp hàm lượng vitamin này có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày như:
Hạt điều là loại hạt ngon, dễ ăn, cung cấp nhiều vitamin B3, B1, vitamin B6 tốt cho cơ thể. Hạt điều có thể rang, sấy để ăn trực tiếp hoặc hạt điều sống dùng làm sữa hạt rất tốt.
Hạnh nhân là loại hạt dinh dưỡng cung cấp các vitamin B3, B1, vitamin B5, B9, B6, vitamin E, magie, sắt và protein. Hạnh nhân có thể rang, sấy tương tự hoặc hạt sống dùng làm sữa hạt tương tự như hạt điều cũng giàu dinh dưỡng.
Quả bơ giàu vitamin PP và nhiều vitamin khác như vitamin E, magie, vitamin nhóm B. Quả bơ có tác dụng sản xuất glutathione – chất chống oxy hoá để giúp cơ thể ngăn ngừa lão hoá, mất trí nhớ, tim mạch, ung thư. Loại quả này cũng giúp giảm cholesterol, huyết áp và giảm stress.
Yến mạch là loại thực phẩm khá tốt khi cung cấp hàm lượng các vitamin B5, PP, B2 và B6 cho cơ thể. Loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, giúp duy trì cholesterol khỏe mạnh.
Vitamin PP còn có nhiều trong các loại thực phẩm như: cá, gạo, lúa mạch, khoai tây, sữa, phô-mai, đậu phụ, bơ, đậu, nấm, rau chân vịt, trứng, cá thu, gà, tôm…
Việc bổ sung các thực phẩm trên trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp cung cấp đủ hàm lượng vitamin PP cần thiết cho cơ thể.
4. Liều dùng thuốc vitamin PP 500mg
Bên cạnh việc sử dụng các loại thực phẩm chứa vitamin PP tự nhiên, chúng ta có thể thay thế bằng việc sử dụng thuốc để bổ sung. Tuy nhiên, liều dùng thuốc cần có sự chỉ định và tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Thông tin dưới đây chỉ mang tính tham khảo.
4.1. Liều dùng thuốc thông thường
- Dành cho người lớn: 13 – 19 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
- Dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú: liều 17 – 20 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
- Đối với trẻ em: 5 – 10 mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
Ngoài việc bổ sung theo đường uống, có thể bổ sung bằng đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch chậm với liều 25mg. Tần suất dùng 2 hoặc hơn 2 lần/ngày. Lưu ý khi tiêm tĩnh mạch, tốc độ tiêm không quá 2mg/phút.
4.2. Liều dùng trị bệnh Pellagra
- Dành cho người lớn: 300 – 500 mg/ngày, tối đa là 1500mg/ngày, chia 3 – 10 lần uống.
- Dành cho trẻ em: 100 – 300mg/ngày, chia 3 – 10 lần uống.
4.3. Dành cho điều trị trứng cá
Ngày 2 lần, bôi thuốc mỡ lên vùng da cần điều trị. Sau 8 – 12 tuần cần đánh giá lại kết quả điều trị.
5. Tác dụng phụ của thuốc vitamin PP 500mg
Với việc sử dụng thuốc với liều thấp thông thường sẽ không gây độc hại gì cho cơ thể. Sử dụng liều cao sẽ gây ra một số tác dụng phụ và ngưng thuốc sẽ hết.
Các triệu chứng thường gặp: buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da.
Một số triệu chứng ít gặp: loét dạ dày tiến triển, nôn, chán ăn, đau khi đói, đầy hơi, tiêu chảy, khô da, tăng sắc tố, vàng da, suy gan, giảm dung nạp glucose, tăng tiết tuyến bã nhờn, tăng glucose huyết, tăng uric huyết, đau đầu và nhìn mờ, hạ huyết áp, tim đập nhanh, ngất, chóng mặt…
Trường hợp hiếm gặp: lo lắng, glucose niệu, chức năng gan bất thường, thời gian prothrombin bất thường, hạ albumin huyết, choáng phản vệ,…
Hy vọng, những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về vitamin PP, tác dụng, liều dùng, thực phẩm giàu vitamin PP và các tác dụng phụ của thuốc. Mọi thông tin về bổ sung thuốc cần được tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn.